THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Giới thiệu về các loại thực phẩm chức năng

Những lời khuyên của bác sĩ

Posted by ANH TOAN trên Tháng Tám 16, 2008

     Được giới thiệu là thực phẩm chức năng nhưng ở dạng viên giống thuốc và được quảng cáo có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe thậm chí chữa được bệnh này bệnh nọ. Thực tế hiệu quả của chúng như thế nào, đặc biệt là so với giá tiền nhiều khi khá đắt của chúng?

  Thực phẩm chức năng (Functional foods), có khi còn được gọi là thực phẩm bổ sung (Dietary supplement), thực ra không phải là một sản phẩm gì mới. Từ xa xưa, Đông cũng như Tây phương, đã lưu truyền nhiều loại thực phẩm giúp tăng cường các chức năng của cơ thể kể cả những chức năng trong… phòng the.

Vì là thực phẩm nên thường khi chúng không có liều nhất định như thuốc và đặc biệt không phải do thầy thuốc chỉ định mà thường do truyền miệng, “mách bảo”.

Cũng vì là truyền miệng nên tác dụng có khi do… tâm lý hơn là dược lý. Chẳng hạn những cụm từ như “gia truyền”, “truyền thống”, “cổ phương” khiến nhiều người có cảm giác đó là sản phẩm quý, có chất lượng nên rốt cục là “thà tin còn hơn là không tin”.

   Hiện nay các thực phẩm chức năng không còn đóng khung trong việc mách bảo hoặc sản phẩm gia truyền mà nhiều trường hợp được sản xuất công nghiệp với số lượng lớn, mẫu mã đẹp, thường khi còn được dập viên giống như thuốc.

    Thêm vào đó việc quảng cáo tác dụng của chúng không chỉ đề cập đến yếu tố cổ truyền mà còn viện dẫn cả những thuật ngữ của y học hiện đại như vitamin, khoáng chất vi lượng, các chất có hoạt tính sinh học v.v… càng khiến nhiều người tin rằng đây là thuốc thật, thậm chí là thuốc… thần.

     Hiện tại việc thổi phồng tác dụng của thực phẩm chức năng là có, nhất là khi nó được “truyền miệng” qua hệ thống bán hàng đa cấp hoặc truyền tiêu là hệ thống quảng bá phụ thuộc vào ý thức đạo đức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và không được kiểm soát chặt như trên truyền thông đại chúng.

  Ở các nước phương Tây, mỗi nước có một luật riêng về thực phẩm chức năng nhưng nhìn chung chưa hoàn toàn chặt chẽ như thuốc.

    Theo luật pháp của một số nước, chỉ những tuyên bố liên quan đến việc chữa khỏi hoặc làm giảm nhẹ các bệnh cụ thể thì mới cần những thử nghiệm nghiêm ngặt như thuốc để chứng minh hiệu quả cũng như các tác dụng phụ hoặc chứng minh là không có những tác dụng độc hại.

  Còn nếu chỉ đề cập đến những tác dụng chung chung như tăng cường sức khỏe, làm đẹp da, tăng cường sức lực, chống lão hóa v.v… thì không cần phải có thử nghiệm chứng minh đối với sản phẩm có nhãn hàng cụ thể mà chỉ cần dựa vào những thành tựu khoa học chung chung.

  Thật sự thực phẩm chức năng không phải là không đáng dùng vì thực ra nó là thực phẩm và cũng được bào chế từ các nguyên liệu thiên nhiên từ trước đến nay ít nhiều cũng đã được công nhận về hiệu quả.

    Vấn đề cần lưu ý là giá cả của nó nhiều khi khá đắt so với hiệu quả thật sự mà nó mang lại, hơn nữa, đừng chỉ dựa vào nó như là một thuốc chữa bệnh mà không đi khám để được điều trị bằng thuốc hoặc các biện pháp điều trị hữu hiệu khác.

 Về phương diện thực phẩm nếu ta có thể dùng được những sản phẩm tự nhiên với cùng tác dụng thì nên ưu tiên cho sản phẩm tự nhiên vì vừa rẻ, vừa ngon.

Chẳng hạn thay vì “uống” thực phẩm chức năng chứa vitamin và chất xơ thì ta có thể ăn hoa quả cũng vừa cung cấp vitamin, chất xơ.

 Ngoài ra, cũng cần lưu ý một số loại thực phẩm chức năng có bổ sung các vitamin nhóm tan trong chất béo như vitamin A, D, E ở dạng trích tinh nên có khả năng xảy ra tình trạng ngộ độc do dùng quá liều là điều khó xảy ra khi ăn các thực phẩm thông thường chứa vitamin A ở dạng tự nhiên.

 Tóm lại, thực phẩm chức năng không phải là không tốt tuy nhiên cần cân nhắc để sử dụng trong những hoàn cảnh phù hợp, để vừa giúp đảm bảo sức khỏe, vừa không vượt quá điều kiện kinh tế của bản thân.

 Bs.Ths Trương Trọng Hoàng

 

Bình luận về bài viết này